Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7 tháng 5 nǎm 1909 tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông mồ côi mẹ khi mới lên 2, không bao lâu cha ông cũng qua đời. Theo học tại Đại học Y Hà Nội từ năm 1928, sau 4 năm, ông sang học tiếp Y khoa ở Pháp. Năm 1936, ông trở thành hội viên duy nhất ở Đông Dương của Hội Nghiên cứu bệnh lao Pháp. Tại Pháp, ông được thăng chức Giám đốc Bệnh viện Lao vùng núi phía đông nước Pháp, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa tại Viện Điều dưỡng Haute Ville. Mặc dù lấy vợ là người Pháp, ông đã quyết định về nước, vừa chữa bệnh cho nhân dân, vừa tham gia các phong trào yêu nước.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao ở trong và ngoài nước. Ông là một trong những chuyên gia có tên tuổi về bệnh lao trên thế giới với hơn 80 bài nghiên cứu về bệnh lao đã được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Mỹ… Từ năm 1957, ông cùng đồng nghiệp phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao có hiệu quả cao. Bác sĩ là người đầu tiên đã dùng kích sinh chất Filatov tiêm vào huyệt phổi để điều trị lao có kết quả; đề xuất nghiên cứu vắcxin BCG chết (thay BCG sống) góp phần tích cực trong công tác phòng bệnh lao; dùng vi khuẩn Bacllus subtilis sống để điều trị lao và các bệnh về phổi cùng một số bệnh nhiễm khuẩn khác…
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đối với các bệnh “xã hội”, không thể giải quyết chỉ bằng thành lập các bệnh viện mà chủ yếu phải chữa bệnh nhân ngoài cộng đồng, phải tổ chức phòng bệnh, xây dựng mạng lưới, đào tạo cán bộ, tìm hiểu tình hình mắc bệnh… Đó chính là những kiến giải của ông với Nhà nước để thành lập Viện chống Lao năm 1957, mục đích vừa làm tốt công tác khám chữa bệnh, vừa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến. Ông chủ trương cần tích cực đem những thành tựu khoa học mới nhất của thế giới ứng dụng vào hoàn cảnh nước ta. Ông cũng chủ trương tìm những kỹ thuật thích hợp huấn luyện cho cán bộ y tế cơ sở. Đây cũng chính là những nội dung chủ yếu của Chương trình Chống lao Quốc gia ngày nay.
Theo dòng hồi ức của dược sĩ anh hùng Nguyễn Duy Cương- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch còn là một thầy thuốc nhân hậu, rất bình dân. Nửa đêm có người bệnh gõ cửa đánh thức, ông vẫn lái xe đến tận các khu nhà nghèo để khám và chữa bệnh cho người lao động là tấm gương sáng đến nay không nhiều bác sĩ noi theo được. Trong ký ức nhiều bệnh nhân tại Viện Chống lao trung ương, ông để lại nhiều ấn tượng với hình ảnh đẹp đẽ thân thuộc: người thầy thuốc trong chiếc áo choàng trắng cùng chiếc ống nghe bên cổ, ân cần thăm hỏi từng giường bệnh. Không ít lần ông đã tự tiếp máu mình cho bệnh nhân khi gặp những ca cấp cứu nguy kịch.
Hình ảnh cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch rất tích cực đi xuống cơ sở, từ các xã vùng đồng bằng đến các tỉnh vùng cao đã trở nên gần gũi, thân thuộc. Dù bận rộn công tác quản lý nhưng ông vẫn dành thời gian làm người thầy thuốc chuyên khoa lao. Hằng ngày ông vẫn đến với người bệnh lao, tự soi chiếu X quang cho người bệnh, có mặt bên giường những người bệnh nặng, cho chỉ định điều trị và đôn đốc các công việc chuyên môn.
Năm 1965, chỉ sau mười năm giải phóng miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, công tác y tế có nhiều chuyển biến rõ rệt. Mạng lưới y tế nông thôn phát triển rộng khắp, tuổi thọ người dân tăng, nhiều dịch bệnh được đẩy lùi, sức khỏe người dân được cải thiện.
Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch lại vượt núi cao, rừng thẳm Trường Sơn, có mặt ở chiến trường B2 gian khó chồng chất. Giữa bom đạn, khói lửa, sáng lên hình ảnh bác sỹ Phạm Ngọc Thạch vai mang ba lô, chân đi đất, lặn lội trên chiến khu Đông Nam Bộ, ngày đêm phục vụ cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân. Không ngờ, một cơn sốt rét ác tính đã quật ngã người chiến sĩ gang thép ấy ngày 7 tháng 11 năm 1968.
Đánh giá những thành tựu đóng góp của ông trong nghiên cứu khoa học, nhà nước ta đã nhận định “Phạm Ngọc Thạch đã nêu một tấm gương về cách nhìn, cách nghĩ, cách nghiên cứu để giải quyết một cách sáng tạo và độc đáo những vấn đề khó khǎn và phức tạp của việc thanh toán những bệnh tật do chế độ cũ để lại, trong việc vệ sinh phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân và đồng chí đã thành công trong nhiều công trình nghiên cứu quan trọng.” (Lời Điếu văn tại Lễ truy điệu Phạm Ngọc Thạch do Thủ tướng Phạm Vǎn Đồng đọc tại Lễ truy điệu bác sĩ Phạm Ngọc Thạch).
Hơn 19.000 cán bộ phòng, chống lao trên cả nước ngày nay vẫn luôn không ngừng học tập tấm gương đạo đức cũng như những tư tưởng vượt thời gian của người Thầy “TÀI ĐỨC LƯU QUANG:
CHÍNH KHÁCH TÀI CAO TÌNH ÁI QUỐC
DANH Y ĐỨC TRỌNG NGHĨA THƯƠNG DÂN”
Nguồn:https://coca-colafoundation-ind.org/
Xem thêm Bài Viết:
- 5 Dấu hiệu của bệnh mỡ máu cao ai cũng nên biết sớm
- NẠP 1 TRIỆU TIÊU 20000 ĐẬU MINI MỞ KHÓA NHÂN VẬT CÓ KHẢ NĂNG ĐÀO ĐÁ RA KIM CƯƠNG TRONG MINI WORLD
- Chữa Bệnh Đổ Mồ Hôi Tay Chân Nhiều – Xử Lý Triệt Đề Bệnh Đổ Mồ Hôi Trộm
- Rùng mình khi tận mắt chứng kiến tế bào ung thư di chuyển trong cơ thể – Thuốc Dân Tộc
- Chữa đau nửa đầu migraine do chèn cột sống cổ